1. BÃO WAYNE (BÃO SỐ 5) NĂM 1986
Bão Wayne là một trong những cơn bão tồn tại lâu nhất trên Tây Bắc Thái Bình Dương trong lịch sử. Đây là một cơn bão phức tạp, dị thường và khó dự báo nhất trong lịch sử khí tượng thế giới. Cơn bão đã đi ra đi vào biển Đông 3 lần và gây thiệt hại nặng cho Đài Loan và Trung Quốc.
Đêm 5 rạng sáng ngày 6 tháng 9 năm 1986, bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình ngày nay). Bão cùng với lũ lớn ở đồng bằng Sông Hồng thời điểm đó làm 490 người chết, trên 2000 người bị thương, hơn 38 nghìn ngôi nhà đổ sập, gần 24 nghìn ha lúa bị hư hại, hàng trăm công trình dân sinh ở Thái Bình, Hà Nam Ninh bị phá hủy......
2. BÃO DAN (BÃO SỐ 9 - 1989)
Là cơn bão thứ 3 trong chuỗi 4 cơn bão liên tiếp tác động đến các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình chỉ trong 3 tuần lễ, nhưng bão số 9 được xem là cơn bão mạnh nhất khi có sức gió mạnh đến cấp 12-13 tại thời điểm áp sát bờ biển các tỉnh này (Bão số 7 Brian cấp 11, bão số 8 Angela cấp 11, bão số 10 Elsie cấp 9). Sáng ngày 13 tháng 10 năm 1989 bão số 9 đổ bộ vào phía Nam tỉnh Nghệ Tĩnh (phần thuộc địa phận Kỳ Anh - Hà Tĩnh ngày nay). Bão đi kèm với lũ lụt đang hoành hành tại các tỉnh Thanh Hóa - Bình Trị Thiên khi đó làm 63 người chết, hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hỏng,... Tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng theo thời giá bấy giờ.
Sau này, cơn bão số 5 (Lekima) năm 2007 và cơn bão số 10 (Doksuri) năm 2017 có diễn biến, quỹ đạo tương tự (chỉ khác là đi vào phía Nam đèo Ngang, phần thuộc Quảng Bình).
3. BÃO ANGELA (BÃO SỐ 6 - 1992)
Hình thành trên biển Đông trong ngày 15/10/1992, bão số 6 trải qua 7 ngày trên khu vực giữa biển Đông, mạnh lên cấp 12 giật trên cấp 12. Sáng 23/10/1992, bão số 6 đổ bộ vào Phú Yên với cường độ cấp 9. Vùng áp thấp hậu bão có diễn biến phức tạp, đi qua đất liền Campuchia rồi vòng trở ra Vịnh Thái Lan, mạnh lại thành bão, sau suy yếu thành Áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Kiên Giang. Bão số 6 làm 49 người chết và mất tích tại Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đây là một trong những cơn bão phức tạp nhất trên biển Đông.
4. BÃO AMY (BÃO SỐ 5 - 1994)
Hình thành từ một vùng xoáy thấp trên đất liền miền Nam Trung Quốc, nó di chuyển ra vịnh Bắc Bộ, lại bị các điều kiện bên ngoài chi phối nên Amy rất khó dự báo, di chuyển lòng vòng trên Vịnh Bắc Bộ. Đến sáng 29/7 khi còn cách bờ biển Thái Bình - Ninh Bình khoảng 150km áp thấp mới mạnh lên thành bão, tiếp tục có diễn biến hết sức phức tạp. Rạng sáng 31 tháng 7, khi đang ở trên vùng biển ven bờ Ninh Bình - Nghệ An bão suy yếu thành ATNĐ, sáng cùng ngày đi vào địa phận các tỉnh này (tâm đi vào Thanh Hóa) rồi thành vùng thấp và tan ở Trung Lào. Bão không gây thiệt hại gì đáng kể nhưng được xem là có diễn biến phức tạp và dị thường vào bậc nhất trong lịch sử khí tượng Việt Nam.
5. BÃO FRANKIE (BÃO SỐ 2 - 1996)
Frankie hình thành trên biển Đông, mạnh lên gần bờ, đạt cấp 12 ngay trên vịnh Bắc Bộ. Bão số 2 được xem là cơn bão mạnh nhất trong thập niên 1990 đổ bộ vào miền Bắc. Sáng ngày 24/7/1996 bão Frankie đổ bộ vào Nam Hà - Ninh Bình (Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình ngày nay, tâm bão vào phía Bắc Ninh Bình) với cường độ cấp 11. Bão đã gây ra gió mạnh cấp 8-10 giật cấp 12-14 cho khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa và đồng bằng Bắc Bộ. Cơn bão gây ra thiệt hại kinh hoàng ở miền Bắc, làm gần 100 người thiệt mạng, hơn 194 nghìn căn nhà bị hư hại, gần 180 nghìn ha đất trồng lúa mùa bị ngập ... Ước tổng thiệt hại đạt 204 triệu USD (thời giá 1996).
Tiếp sau đó, ATNĐ (tên quốc tế là bão Marty) và bão số 4 (Niki) đổ bộ vào tỉnh Ninh Bình, Nam Định kèm trận lụt lịch sử ở miền Bắc.
6. BÃO LINDA (BÃO SỐ 5 - 1997)
Hình thành ở Nam biển Đông, bão số 5 nhanh chóng mạnh lên cấp 10, giật cấp 11-13 đi vào đất liền Cà Mau rồi ra vịnh Thái Lan. Bão quét qua các tỉnh miền Tây đêm ngày 02/11/1997 làm hơn 4500 ngư dân Nam Bộ thiệt mạng, hàng chục nghìn ngôi nhà, ghe thuyền bị hư hỏng. Bão số 5 gây thiệt hại lên đến trên 7000 tỷ đồng và là một trong những cơn bão mạnh nhất ập vào Tây Nam Bộ trong 100 năm qua. 7 năm sau bão số 4 Muifa cũng đổ bộ vào Cà Mau nhưng ở giai đoạn cuối đời lại đúng thời điểm miền Tây đang cần mưa giải hạn nên không gây thiệt hại gì đáng kể.
7. BÃO DAMREY (BÃO SỐ 7 - 2005)
Hình thành ngoài khơi Philippines, bão số 7 di chuyển vào biển Đông, mạnh lên cấp 10. Do bị tương tác xa với không khí lạnh ở phía Bắc, bão di chuyển lệch về Tây Nam, mạnh lên cấp 12-13 giật cấp 14-15 khi tiến sát đảo Hải Nam. Cơn bão sau đó duy trì cường độ cấp 11-12 khi tiến vào Vịnh Bắc Bộ, sáng ngày 27 tháng 9 bão số 7 đổ bộ vào phía Bắc tỉnh Thanh Hóa và ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh tới Nghệ An. Bão số 7 đã làm vỡ đê biển các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, tàn phá nặng nề khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Cơn bão làm trên 30 người chết, hàng chục nghìn ngôi nhà đổ sập, gây ra lũ ống, lũ quét nghiêm trọng ở Yên Bái,.... Đây được xem là một trong những cơn bão nguy hiểm nhất Việt Nam.
8. BÃO KAI-TAK (BÃO SỐ 8 - 2005)
Hình thành ở giữa biển Đông, bão số 8 nhanh chóng mạnh lên cấp 12-13 khi tiến sát bờ biển Quảng Ngãi - Đà Nẵng. Sau đó do tác động của không khí lạnh mà bão số 8 trở nên bất thường, khó dự báo cả về cường độ lẫn hướng đi. Bão số 8 đã đi dọc ven biển từ Quảng Nam ra đến tận Nam Định, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành vùng thấp ở vùng biển ven bờ Ninh Bình - Nam Định. Bão số 8 gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Trung.
9. BÃO XANGSANE (BÃO SỐ 6 - 2006)
Chỉ 3 ngày sau khi bão số 5 đổ bộ Quảng Bình, bão Xangsane đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 6. Bão số 6 nhanh chóng mạnh lên cấp 13 khi tiến sát bờ biển Thừa Thiên Huế-Quảng Nam rồi đổ bộ vào Đà Nẵng, gây thiệt hại cực kỳ nặng nề: Làm trên 80 người thiệt mạng, gây lũ lụt nghiêm trọng, thiệt hại 10000 tỷ đồng,.... Bão đã kìm hãm sự phát triển của Đà Nẵng trong 10 năm.
10. BÃO DURIAN (BÃO SỐ 9 - 2006)
9 năm sau ngày Linda đổ bộ vào Nam Bộ, ngày 05/12/2006 bão Durian đã càn quét các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau. Trước đó, bão được dự báo đi vào Nam Trung Bộ nhưng do có không khí lạnh tác động nên bão bị đẩy xuống Nam Bộ. Bão đã làm 100 người chết, 34000 ngôi nhà cùng hàng chục nghìn công trình dân sinh bị hủy hoại nghiêm trọng, thiệt hại ước đạt trên 7000 tỷ đồng.
11. BÃO LEKIMA (BÃO SỐ 5 - 2007)
Hình thành ngay trên biển Đông, Lekima có quỹ đạo dịch chuyển gần như tương tự bão số 9 năm 1989. Khi vào gần bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình bão mạnh lên cấp 11-12 giật cấp 13 và đổ bộ vào phía Nam đèo Ngang (thuộc Quảng Bình). Bão không chỉ gây ra gió mạnh mà đi kèm đó là lũ lụt lớn ở Bắc Trung Bộ, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng ở Bắc Bộ. Cơn bão làm 37 người chết và mất tích, 6000 nhà đổ, hơn 50000 nhà sập, 100000 ha hoa màu bị hư hại....
12. BÃO KETSANA (BÃO SỐ 9 - 2009)
Sau khi mang mưa lớn và lũ lụt khi quét qua đảo Luzon (Philippines), Ketsana trở thành bão số 9 trên biển Đông và mạnh lên cấp 13 giật trên cấp 13. Ngày 29/9/2009 bão số 9 đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Nam, ảnh hưởng trực tiếp từ Nghệ An đến Bình Định, Bão số 9 kèm lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung làm khoảng 200 người chết, làm sập, đổ và ngập úng hàng chục nghìn căn nhà, diện tích hoa màu,.... Thiệt hại do bão ước đạt 11 000 tỷ đồng.
13. BÃO PARMA (BÃO SỐ 10 - 2009)
Bão số 10 là một trong những cơn bão dị thường, phức tạp và có sai số giữa các trung tâm vào bậc nhất trên Thế giới. Hình thành ngoài khơi Philippines, Parma nhanh chóng mạnh lên cấp 15-16 nhưng sau đó lại bị tương tác với bão Melor ở vùng biển phía Nam Nhật Bản nên đi ra đi vào biển Đông 2 lần, đánh vào Luzon 2 lần gây lở đất nghiêm trọng ở đây làm 160 người chết. Sau khi đi vào biển Đông, khi tiến gần đảo Hải Nam một số đài cho rằng bão đã suy yếu thành ATNĐ còn một số thì lại cho rằng bão đang mạnh lên (trong đó có Việt Nam). Đi vào Vịnh Bắc Bộ, đến bờ biển Thái Bình - Ninh Bình bão suy yếu thành vùng thấp, đi vào đất liền và tan dần.
14. BÃO HAIMA (BÃO SỐ 2 - 2011)
Hình thành ở Bắc Biển Đông ngày 21/6/2011, bão Parma dịch chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc tiến đến bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Đến đây bão bất ngờ đổi hướng Tây Tây Nam đánh thẳng vào Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình mà nằm ngoài dự báo trước đó của các đài khí tượng. Haima gây ra lốc xoáy lớn ở Hải Phòng, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở Tây Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, gây thiệt hại rất nghiêm trọng.
15. BÃO SƠN TINH (BÃO SỐ 8 - 2012)
Hình thành ngoài khơi Philippines, bão Sơn Tinh thần tốc di chuyển vào biển Đông với vận tốc đạt 30km/h. Được dự báo tiến thẳng vào Trung Bộ song bão đã mạnh lên cấp 14 giật cấp 17 và đi dọc bở biển Trung Bộ vòng lên phía Bắc. Bão hoành hành suốt nhiều giờ ở các tỉnh Ninh Bình - Hải Phòng gây gió mạnh từ cấp 7-11 giật cấp 12-14, làm tháp truyền hình Nam Định cao nhất miền Bắc bị quật đổ. Bão số 8 đổ bộ vào Thái Bình, làm 11 người thiệt mạng, hàng chục nghìn ngôi nhà, chòi canh nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng nặng,... Tổng thiệt hại do bão ước đạt 11000 tỷ đồng (nặng nhất ở 4 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình).
16. BÃO HAIYAN (BÃO SỐ 14 - 2013)
Là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử quan trắc, bão Haiyan đã đổ bộ vào miền Trung Philippines làm chết hơn 6000 người và là cơn bão lớn nhất lịch sử đảo quốc này. Trước đó bão được dự báo đi vào Trung Bộ khiến nhiều tỉnh miền Trung thực hiện cuộc "đại di dân" trong lịch sử. Nhưng cuối cùng bão không đi vào Trung Bộ mà càn quét các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng rồi đổ bộ vào Quảng Ninh.
17. BÃO MIRINAE (BÃO SỐ 1 - 2016)
Sau 2 năm không có bão mạnh (do tác động của El Nino), ngày 25/7/2016 một áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông, mạnh lên thành bão vào hôm sau 26/7. Bão ban đầu được dự báo đổ bộ Quảng Ninh nhưng do áp cao hoạt động mạnh đã đẩy bão chúi xuống phía Nam và càng ngày càng mạnh lên, đạt cấp 10-11 giật cấp 13-15 khi đổ bộ vào phía Bắc tỉnh Ninh Bình, có thời điểm hầu như không di chuyển nên gió mạnh lâu. Bão số 10 đã gây ra gió mạnh cấp 8-9 vùng ven biển cấp 10 và gió giật từ cấp 11-15 tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình (gió giật 47m/s ở Ba Lạt (Thái Bình)- cấp 15 và gió giật 40m/s - cấp 13 ở thành phố Ninh Bình - theo https://web.archive.org/web/20161030060828/http://www.typhooncommittee.org/11IWS/docs/Members%20Report/Country%20Report%202016%20ngay%2012thang10.pdf của Trung tâm DBKTTV TW). Bão làm hàng chục nghìn ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái, hàng chục nghìn cột điện, cấy xanh gãy đổ,.... ước thiệt hại khoảng 6442 tỷ đồng.
Ban đầu các Trung tâm đánh giá không đúng cường độ bão Mirinae (VN cấp 9, Nhật cấp 10, Mỹ 50kts) nhưng về sau nhận thấy được thiệt hại lớn và xem lại quỹ đạo, Nhật và Mỹ đã phải nâng cường độ bão Mirinae. Nhật cho lên cấp 10-11 (100 km/h) còn Mỹ cho lên cấp 1 (120km/h), đạt cường độ cực đại ở khu vực thành phố Ninh Bình (theo dữ liệu chuẩn).
18. BÃO DOKSURI (BÃO SỐ 10 - 2017)
Trong 3 năm 2014-2015-2016 các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa - Quảng Bình) không phải hứng một cơn bão nào. Tháng 7/2017, bão số 2 đổ bộ vào Hà Tĩnh nhưng chỉ là bão yếu (cấp 9). Và ngày 15/9 vừa qua, cơn bão số 10 mạnh lên cấp 13 trước khi đi vào phía Bắc tỉnh Quảng Bình, đi qua mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bão đã gây gió giật cấp 12-14 ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, đến cả những nơi xa như Bãi Cháy, Văn Lý, TP Ninh Bình, Hải Phòng... cũng ghi nhận gió cấp 5-6 giật cấp 7-8. Hoàn lưu bão rất lớn, vươn rộng đến Quảng Ninh và vào tận Đà Nẵng, gây sóng lớn, triều cao, đánh sập bờ kè đê biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Trị. Thiệt hại do bão vẫn đang được thống kê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét